Các
nhà côn trùng học đã xác định được một neuropeptide (protein truyền tín
hiệu cho não) đặt tên là Natalisin, đóng vai trò kiểm soát các hoạt
động sinh sản của côn trùng. Phát kiến này mở đường cho khả năng sản xuất ra các loại thuốc trừ sâu bệnh không gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Thường được tìm thấy ở các động vật chân đốt là peptidergic, một mạng lưới sử dụng các loại protein để truyền dẫn các “thông điệp”
thần kinh trong cơ thể. Natalisin là một phần thuộc hệ thống này. GS
Yoonseong Park, thuộc Trường Đại học Kansas (Mỹ), thành viên của nhóm
nghiên cứu này, cho biết: “Natalisin chỉ tồn tại duy nhất trên các
loài côn trùng và động vật chân đốt, đã tiến hóa cùng với chúng…
Natalisin liên quan đến việc điều khiển các khả năng sinh sản và hành vi
giao phối ở các loài bọ và động vật chân đốt”.

Triệt tiêu Natalisin để làm mất khả năng giao phối và sinh sản ở côn trùng. (Nguồn: WIKIMEDIA COMMON)
Nghiên cứu được tiến hành bởi Trường Đại
học Kansas, Viện Khoa học Công nghệ Hàn Quốc và Học viện Khoa học
Slovak - Slovakia. Các nhà khoa học tập trung quan sát ruồi giấm, bọ
cánh cứng và bướm đêm.
Các loài côn trùng này có 4 giai đoạn phát triển
rõ rệt là trứng, sâu con, nhộng và trưởng thành, giúp dễ dàng quan sát
cách hoạt động của Natalisin. Kết quả cho thấy dấu hiệu của Natalisin
trong 3 đến 4 đôi tế bào thần kinh não của cả ba loài côn trùng. Sử dụng
một dụng cụ biến đổi gene gọi là RNAi (RNA interference),
các nhà khoa học đã thử triệt tiêu ảnh hưởng của Natalisin trong não
của các con côn trùng trên. Thí nghiệm này làm cho các con côn trùng mất
đi khả năng giao phối và sinh sản.
Natalisin đặc biệt chỉ tồn tại trên các
loài côn trùng, vì vậy các nhà khoa học có thể tạo ra những loại thuốc
trừ sâu chỉ tác động trên các đối tượng sâu bệnh cần diệt trừ mà không
có ảnh hưởng gì đến người và môi trường. Nghiên cứu này cũng đưa ra
nhiều phát kiến về cách hoạt động của hệ thống thần kinh ở côn trùng.
Theo NLĐ, Phys.org